- Làm sao mà quên được (3)! (2010-11-04 05:20:43)
Khi nhớ về quãng đời học sinh đúng là hoa mộng, tôi vẫn không có gì phải phàn nàn, mà luôn cảm thấy mình thật hạnh phúc khi học với các Thầy ấy, các Bạn ấy. Cha JB cũng như tất cả các Thầy tôi đã học không chỉ dạy cho tôi những kiến thức về các môn khoa học, mà còn dạy cho tôi làm người.Chẳng biết tôi đã "được cho ra cái giống người" – nói như thi sĩ họ Trần – hay chưa, có điều dù đúng là đáng xếp hàng "thứ ba", đúng là "không biết nghịch", nhưng may thay đến giờ tôi vẫn chưa thành ngợm. Sâu tận trong tâm khảm, tôi mãi tri ân Cha JB, tri ân các Thầy, các vị trong Ban Giám Hiệu của mái trường An Lạc, đã trực tiếp hoặc gián tiếp dạy – và cả "dỗ" tôi nữa. Tôi cũng cảm ơn tất cả các bạn bè cùng học với tôi những năm tháng đẹp đẽ ấy, mà tôi luôn tin rằng những tình cảm chúng ta đã từng dành cho nhau dù ít dù nhiều đều là những tình cảm trong sáng và chân thật.
Công bằng mà nói, các Thầy đã dạy tôi đều là những người Thầy giỏi giang, đáng kính, hoặc ít ra là tôi vẫn tin như thế. Vì tôi cho rằng khi các Thầy dạy tôi hiểu bài thì tức là Thầy phải giỏi rồi. Nếu không giỏi làm sao truyền đạt cho học trò hiểu được điều các Thầy muốn truyền đạt ? Không những thế, tư cách các Thầy thật sự đáng kính. Hoặc theo suy nghĩ, rất non nớt và nông cạn của tôi, có lẽ các Thầy còn biết nhiều hơn cả những gì các Thầy đã dạy. Chẳng hạn Thầy dạy Vật Lí hồi tôi học Đệ Tứ là Thầy Mai Văn Hội. Dù Thầy dạy môn học bây giờ kêu bằng môn khoa học tự nhiên, nhưng Thầy viết chữ Nho cũng hết sức bay bướm, chẳng thua gì Thầy Nguyễn Thanh Hiển dạy Quốc Văn. Khi lên Đệ Tam, bọn tôi học Vật Lí với Thầy Liêu Kim Sanh cũng rất... hào hoa. Thầy vui tính, lại hay "khoái" xuống nói "chuyện bên lề" với mấy đứa nam sinh ngồi ba bốn bàn chót, mà thường – nói theo kiểu bây giờ – là bọn học trò "quậy". Có lần Thầy còn "giới thiệu" với bọn tôi mấy câu hát nhái theo nhạc TCS : "Mình ngỡ nó đôi J, ai ngờ nó đôi xì...". Nhưng thú vị nhất là những "chuyện bên lề" của Thầy đều là những câu chuyện về những tiến bộ, những phát minh khoa học mới mẻ trên thế giới... Những câu chuyện của Thầy khơi lên trong tâm hồn chúng tôi niềm say mê, sự hứng thú học tập, tưởng tượng ra biết đâu ngày nào đó mình cũng sẽ trở thành những nhà khoa học. Thế mà...
Mấy Thầy Toán thì khỏi nói, như Thầy Kế, Thầy Vinh – Đinh Thế Vinh – ... Các Thầy đều là tác giả các sách giáo khoa Toán có tiếng lúc ấy. Vì vậy khi đi dạy, các Thầy chả cần sách vở gì. Chương trình, bài học, bài tập đều nằm sẵn trong đầu các Thầy. Riêng Thầy Vinh thì đi dạy bằng xe hơi, giờ nào đến lớp cũng mặc veste. Thầy nhỏ người, chả mấy khi cười. Hình như Thầy cũng không được cởi mở lắm với các đồng nghiệp, ít ra là tại An Lạc trường em này.
Tôi cũng nhớ hồi đó trước khi chúng tôi lên Trung Học, các anh chị học tiếng Anh ban đầu theo bộ L'Anglais Vivant, bộ sách của các tác giả người Pháp, do nhà La Hachette xuất bản. Sau đó lại thay bằng bộ Let's Learn English (2 quyển, xanh và đỏ, cho Đệ Thất, Đệ Lục) và Practise Your English (cũng 2 quyển, Đệ Ngũ, Đệ Tứ) của các tác giả người Mĩ. Nhưng khi vào Đệ Thất, bọn tôi lại học bộ sách English For Today với Thầy Trần Minh Thực, sau này Ngài thụ phong Linh mục, và nay cũng đã tạ thế, mà tôi chẳng biết ngày giỗ của Ngài. Bộ sách này được Giáo sư Lê Bá Kông giới thiệu là do một nhóm 25 giáo sư chuyên dạy Anh ngữ của các đại học Hoa Kì cùng nhau biên soạn. Tuy thế, bộ sách thiên về hai khả năng (skills) nghe và nói nhiều hơn, mà ít chú trọng các bài học lí thuyết về Grammar. Trong khi đó các kì khảo thí lúc bấy giờ lại chỉ kiểm tra về khả năng đọc và viết. Vì vậy khi lên Đệ Nhị cấp, các Thầy đều phải cho học và luyện tập thêm về Grammar. Chẳng hạn Thầy Lý Công Chuẩn thì bắt học trò phải mua và làm các bài tập trong quyển Bài tập mà tôi chỉ nhớ là của Richard J. Dixon. Còn Thầy Lê Hữu Phụng thì cung cấp cho học trò các bài học về English Grammar trong những tờ ronéo.
Lúc nãy nhắc tới Giáo sư Lê Bá Kông, tôi lại nhớ một câu chuyện. Hồi đó trong bọn nam sinh chúng tôi hay kháo nhau về học giả Nguyễn Văn Tố. Ai đó kể rằng cụ Nguyễn hồi xưa nhà nghèo, đi học thường ngang qua một hiệu sách, ghé vào xem ké, nhưng không mấy khi có tiền mua những quyển cụ yêu thích. Thế nhưng chỉ nhờ xem ké mà cụ có thể nhớ gần như thuộc lòng quyển từ điển Petit Larousse của Pháp, đến nỗi sau này nói đến chữ nào khó, cụ có thể đọc cả số trang có chữ ấy từng xuất hiện trong quyển từ điển nọ ! Chả biết câu chuyện được bao nhiêu phần sự thật, chỉ biết quyển từ điển ấy, không kể phần dành cho những tên riêng, như nhân danh, địa danh, tên các tác phẩm văn chương, hội họa, điêu khắc..., thì phần chính cũng trên dưới cả ngàn trang, lại còn in cỡ chữ 8 points ! Không hiểu cụ Nguyễn nhớ được chúng bằng cách nào. Nhưng câu chuyện sau đây thì có thực, và có thể kể là một giai thoại giữa bọn học sinh chúng tôi. Ấy là vào quãng năm tôi học Đệ Ngũ hay Đệ Tứ gì đó, bác 'a'd'min' (bác thích viết nickname này dưới dạng a-d-min cơ) đã quyết tâm học English words bằng cách mỗi ngày thuộc hẳn một trang trong quyển Từ điển Anh Việt bỏ túi của Lê Bá Kông. Hình như, hình như thôi, chi tiết này phải để bác 'a'd'min' xác nhận, hình như bác 'a'd'min' xé luôn trang đã học, để sau này chỉ cậy nhờ vào chính cái đầu của mình chứ không dựa dẫm vào sách vở nữa ! Không biết bác 'a'd'min' đã thực hiện công việc đó đến đâu. Nhưng khi học Đệ Tam với Thầy Chuẩn, Thầy rất hay hỏi các family words khi gặp những chữ mới. Mỗi lần như thế bác 'a'd'min' thường trả lời vanh vách, khiến bọn chúng tôi đều nể mà Thầy Chuẩn cũng rất ư hài lòng, dù Thầy có tiếng là rất nghiêm. Chẳng biết tôi có quên không, chứ suốt một năm học Đệ Tam, có lẽ tôi chưa thấy Thầy cười với bọn học trò chúng tôi bao giờ.
Trái lại khi lên Đệ Nhị, Thầy Phụng dạy tiếng Anh lại rất hiền, dường như lúc nào cũng có sẵn nụ cười. Thầy ốm người, có vẻ phong sương, mắt đeo kính trắng. Sau này tôi lại được biết Thầy còn là một thi sĩ khi Thầy tặng cho lớp mình, nếu tôi nhớ không lầm, mỗi đứa học trò một tập thơ tựa là "Trong Vườn Hồng", in ronéo trên loại giấy hồi đó gọi là pelure grand fort, màu hồng, gấp đôi thành khổ 21 x 13,5 (hơi ngắn hơn khổ giấy A4 thông dụng hiện nay). Đây là một tuyển tập gồm khoảng hai mươi bài thơ Thầy dịch từ các bài thơ Anh ngữ, kí bút hiệu là Nam Chi, có in kèm cả nguyên tác bằng tiếng Anh. Tựa tập thơ cũng là tựa một bài trong đó, bài "In a Rose Garden" của John Bennett. Qua dâu bể, tôi bị mất mát nhiều thứ, một trong những mất mát đó là tập thơ Thầy tặng. Trong các bạn, ai còn giữ được thì hôm nào đẹp trời cũng nên "trình làng" (chữ của bạn PTT) để làm kỉ niệm cho bạn bè. Tôi chỉ có chút may mắn đối với tập thơ này, là đã phổ nhạc một trong những bài thơ dịch của Thầy, bài đó lại chính là bài "In a Rose Garden" nọ, xin kèm theo đây để các bạn xưa ghé mắt. Bài hát này tôi xin mạn phép Thầy giáo cũ đổi tên thành "Trăm Năm Nữa", cũng như xin Thầy cho sửa dăm ba chữ theo dòng nhạc, còn thì hầu như giữ nguyên theo bản dịch của Thầy.
Nhạc phẩm " Trăm Năm Nữa "
Qua đây, con cũng xin có đôi lời thưa với Thầy. Từ khi chúng con học với Thầy ngày ấy đến hôm nay, chưa được một nửa thời gian khiêm tốn "A hundred years" nói đến trong bài thơ của J. Bennett (so với những hơn ba trăm năm của thi hào Tố Như : "Bất tri tam bách dư niên hậu..." ), mà mãi từ thuở đó tới tận bây giờ con vẫn chẳng "biết gì đời ra sao" ("We'll neither know nor care what came of all..."). Chẳng biết mình ra sao, chẳng biết Thầy, các Thầy, các Bạn bây giờ ra sao..., ở phương nào... Có lẽ nay Thầy đã được bát tuần ?... Có lẽ nay Thầy vẫn còn mạnh khoẻ ?... Có những Thầy con biết chắc, và cũng có những Thầy con không chắc, nay đã không còn ở cõi hồng trần này nữa... Chẳng biết Thầy và các Thầy khác có đọc được những dòng chữ này không, nhưng con vẫn xin được một lần kính gửi đến Thầy, đến Quý Thầy, đến Cha JB tâm tình biết ơn của con, của chúng con, những học trò nhỏ năm xưa của Cha JB cũng như của Quý Thầy, những vị không chỉ đem lại cho chúng con những kiến thức, mà còn dạy bảo cho những tâm hồn bé thơ non nớt chúng con những tình cảm, những tư tưởng tốt lành, trong sáng, đẹp đẽ, nhân bản.
Xin tạm dừng nơi đây.
BN